CHÍNH PHỦ
---------
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Số: 36/2009/NĐ-CP
---------------------------------------------------------------
Hà Nội, ngày 15 tháng 4 năm 2009
NGHỊ ĐỊNH
Về quản lý, sử dụng pháo
______
CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật Công an nhân dân ngày 29 tháng 11 năm 2005;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Công an,
NGHỊ ĐỊNH:
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Nghị định này quy định về quản lý thuốc pháo, pháo các loại; quản lý sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu, mua, bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng pháo hoa và thuốc pháo hoa; tổ chức bắn pháo hoa và trách nhiệm của các cơ quan có liên quan trong quản lý, sử dụng pháo.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
Nghị định này áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân Việt Nam, tổ chức, cá nhân nước ngoài (gọi tắt là tổ chức, cá nhân) có hoạt động liên quan đến việc sản xuất, mua bán, vận chuyển, nhập khẩu, xuất khẩu, tàng trữ và sử dụng các loại pháo, thuốc pháo.
Điều 3. Giải thích từ ngữ
Trong Nghị định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Thuốc pháo nổ là hoá chất hoặc hỗn hợp hoá chất khi có tác động của các kích thích cơ, nhiệt, hoá, điện gây nên một phản ứng hóa học nhanh, nhạy, tỏa nhiệt, sinh khí và tạo ra tiếng nổ.
2. Thuốc pháo hoa là hoá chất hoặc hỗn hợp hoá chất để sản xuất pháo hoa, khi có tác động của các kích thích cơ, nhiệt, hoá, điện gây nên phản ứng hoá học tốc độ cao, toả nhiệt, phát quang, sinh khí có thể kèm theo tiếng nổ.
3. Pháo nổ là loại sản phẩm có chứa thuốc pháo được chế tạo bằng các công nghệ khác nhau không phân biệt xuất xứ và nơi sản xuất, khi có tác động của các kích thích cơ, nhiệt, hoá, điện gây nên tiếng nổ.
4. Pháo hoa là sản phẩm có chứa thuốc pháo hoa, khi có các tác động của các kích thích cơ, nhiệt, hoá, điện sẽ gây phản ứng hoá học tạo hiệu ứng ánh sáng có màu sắc, gây tiếng nổ hoặc không gây tiếng nổ.
5. Pháo hoa đơn là pháo hoa tầm thấp mà trong mỗi thiết bị kỹ thuật chuyên dụng có chứa 01 quả pháo.
6. Pháo hoa kép là loại pháo hoa tầm thấp mà trong mỗi thiết bị kỹ thuật chuyên dụng có chứa 02 quả pháo.
7. Bắn pháo hoa tầm cao là việc sử dụng ống phóng chuyên dụng và thiết bị bắn để đẩy pháo hoa lên độ cao trên 90 m.
8. Bắn pháo hoa tầm thấp là việc sử dụng thiết bị kỹ thuật chuyên dụng (không sử dụng ống phóng) để đẩy pháo hoa lên độ cao từ 90 m trở xuống.
Điều 4. Các hành vi bị nghiêm cấm
1. Sản xuất, mua, bán, nhập khẩu, xuất khẩu, vận chuyển, tàng trữ và sử dụng trái phép các loại pháo nổ, thuốc pháo nổ.
2. Sản xuất, mua, bán, nhập khẩu, xuất khẩu, vận chuyển, tàng trữ và sử dụng trái phép các loại pháo hoa, thuốc pháo hoa.
3. Mua, bán, tàng trữ, sử dụng thuốc nổ lấy từ các loại bom, mìn, đạn, lựu đạn, vật liệu nổ quân dụng (dùng trong quốc phòng, an ninh), vật liệu nổ công nghiệp để sản xuất trái phép pháo, thuốc pháo.
4. Sử dụng súng, dùng vật liệu nổ không đúng quy định để gây tiếng nổ thay cho pháo.
Điều 5. Các loại pháo, sản phẩm pháo được sử dụng
1. Pháo hoa do Bộ Quốc phòng sản xuất, nhập khẩu để tổ chức bắn pháo hoa đã được Thủ tướng Chính phủ cho phép.
2. Pháo hoa do tổ chức, cá nhân nước ngoài được Thủ tướng Chính phủ Việt Nam cho phép và được Bộ Công an cấp giấy phép mang vào Việt Nam để dự thi bắn pháo hoa.
3. Pháo hiệu dùng trong các hoạt động báo áp thấp nhiệt đới, bão, lũ, cứu hộ, cứu nạn, giao thông vận tải và hoạt động quân sự.
4. Các sản phẩm như: pháo hoa lễ hội bằng giấy (trừ loại hoa có chứa kim loại), pháo điện, pháo trang trí bằng giấy, bằng nhựa, bằng tre, trúc, kim loại; que hương phát sáng; các sản phẩm phát tín hiệu ánh sáng, màu sắc, âm thanh được dùng trong các hoạt động văn hoá, văn nghệ không gây